Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu gọi dịch Covid-19 như “liều thuốc thử” giúp đánh giá một loạt những điểm mạnh, điểm yếu của nhiều ngành kinh tế xương sống của Việt Nam. Từ đó chỉ ra cơ hội và thách thức để chính quyền cùng các doanh nghiệp đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế và nâng cao năng lực nội tại, ứng phó với khủng hoảng. 

Covid-19 và Cuộc tái cơ cấu nền kinh tế

Covid-19 và Cuộc tái cơ cấu nền kinh tế

Covid-19 – “Liều thuốc thử” của nền kinh tế Việt Nam 

Dịch Covid -19 đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp và lan truyền khủng hoảng tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Chính phủ cùng sự đồng lòng của chính quyền và toàn dân, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng biểu dương trong cuộc chiến chống đại dịch. Dù vậy, những tổn thất nặng nề về kinh tế – xã hội là không thể tránh khỏi.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), nông nghiệp, du lịch, dịch vụ và hàng không là những ngành chịu ảnh hưởng đầu tiên từ dịch Covid-19, tiếp đo là những ngành sản xuất và gia công hàng hóa xuất khẩu. Nông nghiệp không có đầu ra cho sản phẩm và buộc phải triển khai hàng loạt các chiến dịch “giải cứu”. Ngành du lịch bước vào trạng thái ngủ đông với sự sụt giảm trầm trọng về lượng du khách, đặc biệt đối với những thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản chiếm tới 70% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Du lịch đình trệ kéo theo một loạt ngành khác lao đao là lưu trú, ăn uống, lữ hành, vận chuyển. Đáng chú ý nhất là sự sụt giảm của ngành hàng không và bán lẻ. Theo ước tính của Cục hàng không, ngành này sẽ phải chịu mức thiệt hại lên tới 25.000 tỷ đồng do dịch Covid-19 với tình trạng nhiều đường bay quốc tế và nội địa đồng loạt dừng khai thác và hàng trăm máy bay “đắp chiếu” dài ngày. Các ngành sản xuất và gia công hàng hóa xuất khẩu thì phải vật lộn với tình trạng thiếu cả thị trường đầu vào cho nguyên liệu lẫn đầu ra cho sản phẩm do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và sức tiêu thụ của thị trường thế giới giảm mạnh.

Bộc lộ những điểm yếu của nền kinh tế

Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng, là mắt xích cốt yếu trong chuỗi cung ứng sản phẩm của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Dịch Covid-19 bùng phát khiến trao đổi thương mại  giữa Việt Nam và Trung Quốc đình trệ, nhiều ngành sản xuất công nghiệp thiếu nguyên liệu sản xuất, dẫn đến tình trạng buộc phải thu hẹp hoặc dừng hoạt động. Đơn cử như ngành dệt may, dù Việt Nam hiện là nước sản xuất dệt may lớn thứ ba thế giới nhưng vẫn chưa thể tự chủ được nguồn nguyên phụ liệu. Theo báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), năm 2019, ngành dệt may và da giầy nhập khẩu 60,91% vải, 57,39% xơ sợi, 43,67% nguyên phụ liệu dệt may, da giày từ Trung Quốc.

Covid-19 và Cuộc tái cơ cấu nền kinh tế

Các ngành sản xuất tại Việt Nam đang phụ thuộc đáng kể vào thị trường Trung Quốc (Ảnh sưu tầm)

Đối với các ngành nông nghiệp, du lịch, hàng không cũng chung cảnh ngộ khi phần lớn thị phần phụ thuộc vào một số ít thị trường truyền thống và chưa chú trọng khai thác hết tiềm năng của thị trường trong nước. Đặc biệt, điểm yếu của ngành nông nghiệp là vẫn còn tình trạng nhiều nơi sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu những sản phẩm chất lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi những thị trường khó tính trên thế giới.

Để khắc phục những điểm yếu này, chính quyền và doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức rõ vấn đề “tránh phụ thuộc vào một thị trường” mà phải nhanh chóng tìm kiếm các thị trường thay thế, đặc biệt là phải đánh thức tiềm năng to lớn của thị trường trong nước. Đồng thơi tập trung cơ hội để tái cấu trúc sản xuất, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tìm cơ hội ở các ngành nghề kinh doanh mới, bạn hàng mới phù hợp với xu hướng thời đại.

Covid-19 – Cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế

 Covid-19 và Cuộc tái cơ cấu nền kinh tế

Nhằm thực hiện được “mục tiêu kép” mà Chính phủ đã đề ra là vừa chống dịch, vừa duy trì nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn về tiếp cận nguồn vốn, tín dụng và thuế đã được đưa ra. Đồng thời, những nỗ lực trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí; tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu; phục hồi và phát triển ngành du lịch, dịch vụ và hàng không; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công… cũng được triển khai mạnh mẽ.

Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp mang tính ngắn hạn nhằm ứng phó với những khó khăn của hiện tại. Về dài hạn, đại dịch Covid-19 chính là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam tự nhìn lại, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, từ đó đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững trong tương lai.

Theo đó, cùng với việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và các chính sách vĩ mô, mỗi nhóm ngành đều cần có những giải pháp riêng, vừa nhằm ứng phó với bối cảnh đại dịch, vừa để phát triển nhanh, mạnh và bền vững hơn. Đối với các nhóm ngành sản xuất công nghiệp, lắp ráp cơ khí, điện tử… cần phải có giải pháp chủ động thị trường cung ứng nguyên liệu thay thế, đầu tư phát triển nguồn cung nội địa thay vì phụ thuốc quá nhiều vào nguồn cung từ Trung Quốc. Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cũng phải chủ động hơn trong việc mở rộng thị trường, tìm kiếm đầu ra cho xuất khẩu, đẩy mạnh nghiên cứu thị trường để điều chỉnh cơ cấu ngành hàng, nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu. Với các doanh nghiệp trong ngành du lịch, dịch vụ, bên cạnh việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ cần tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá, hợp tác với các đơn vị du lịch trên thế giới, đa dạng hóa thị trường khách du lịch quốc tế.

Covid-19 và Cuộc tái cơ cấu nền kinh tế

Lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều dư địa phát triển, Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng từng nhấn mạnh ngành cần cấp thiết thay đổi phương thức sản xuất cơ giới hóa, phát triển phương thức chế biến và bảo quản thích hợp, nâng cao giá trị sản phẩm, đón đầu cơ hội đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cùng với việc Việt Nam tham gia nhiều FTA với các nước trên thế giới.

Mặt khác, Nhà nước cần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý kinh tế với quy trình công khai, minh bạch, tối giản. Thúc đẩy thực thi các chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu phụ trợ phát triển, gia tăng sức mạnh nội tại của nền kinh tế. Việc chuẩn bị nguồn dự trữ nguyên liệu chiến lược, có ảnh hưởng nhiều đến ngành sản xuất trong nước nhằm ứng phó với những tác nhân bất thường cũng vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, công cuộc tái cơ cấu toàn diện đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương phải chú trọng hơn nữa vấn đề bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, tạo nền tảng phát triển bền vững cho nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2045 Việt Nam hướng đến xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu với các biến động bên ngoài. Dịch Covid-19 có thể coi là một “liều thuốc thử” đặc biệt với nền kinh tế Việt Nam để chúng ta nhận thức được rõ những nguy cơ, thách thức,từ đó có thêm động lực để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và và sự điều hành Chính phủ, chúng ta tin tưởng rằng dịch bệnh sẽ sớm bị đẩy lùi, đất nước có thể biến “nguy” thành “cơ” trong tầm nhìn dài hạn, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng bền vững.